Thứ Năm, Tháng Năm 8, 2025
Trang chủ Blog Trang 7

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế

0

Sáng ngày 20/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban) phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo Giáo dục 2019 với chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”. Tham dự Hội thảo có ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban; bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội(LĐ-TBXH); trên 200 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đại biểu Quốc hội; đại diện một số Bộ ngành; các tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Hội thảo nhằm cung cấp cái nhìn tổng thể, rõ nét về thực trạng giáo dục nghề nghiệp hiện nay; tập trung phân tích kỹ nguyên nhân của thành công cũng như hạn chế tồn tại của hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đề xuất những giải pháp phù hợp, khả thi và hiệu quả cho việc phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Kết quả hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư giáo dục là đầu tư phát triển. Triển khai Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật giáo dục nghề nghiệp với nhiều đổi mới quan trọng và đột phá như hợp nhất các trình độ đào tạo; đổi mới về tổ chức và quản lý đào tạo, về chính sách cho người học, nhà giáo và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa, tăng cường sự phối hợp, tham gia của doanh nghiệp, người sử dụng lao động vào hoạt động đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động và xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học – công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá – những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức – giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Từ những thành công của các Hội thảo trước, năm nay, việc lựa chọn chủ đề Hội thảo “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế” là chủ đề vừa có ý nghĩa cụ thể, thiết thực vừa mang tầm vĩ mô, gắn với hoạt động hoạch định chính sách, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thiện thể chế và chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng: Hiện nay, có 3 mũi đột phá phát triển đất nước, trong đó nguồn nhân lực là yêu cầu lớn. Trong nguồn nhân lực này, khi nước ta đang phát triển thì lao động có tay nghề là cực kỳ quan trọng. Năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực từ 2015. Năm 2017, văn bản chính thức về quản lý giáo dục nghề nghiệp đã được khẳng định và Chính phủ giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý lĩnh vực này. Từ đó đến nay, chúng ta đã sắp xếp lại hệ thống văn bản, bộ máy… Tuy nhiên, để làm tốt hơn thời gian tới, rõ ràng, giáo dục nghề nghiệp cần được định vị đúng và cần có chiến lược quốc gia về phát triển giáo dục nghề nghiệp… Hội thảo là dịp để nhìn rõ thực trạng giáo dục nghề nghiệp, từ đó, góp phần hoàn thiện chính sách, hoàn thiện công tác quản lý và nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực. Hy vọng qua hội thảo sẽ tập hợp các chuyên gia và những người trong cùng lĩnh vực, tạo suy nghĩ chung, cùng cộng hưởng, phát triển giáo dục nghề nghiệp…

Ngay sau phần khai mạc là phiên thảo luận về những vấn đề chung của giáo dục nghề nghiệp, trong đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà trình bày báo cáo “Thực trạng và định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong thời gian tới”; Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trình bày tham luận về “Xu hướng thế giới về đào tạo nghề và bài học cho Việt Nam”.

Hội thảo bao gồm 3 phiên chính: Phiên khai mạc; Phiên những vấn đề chung; Phiên chuyên đề tập trung vào các nội dung bao gồm: Thể chế giáo dục nghề nghiệp; Giáo dục nghề nghiệp và Doanh nghiệp; Bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Sau phiên khai mạc chính thức, Hội thảo có 3 phiên theo  3 chủ đề.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà trình bày tại Hội thảo

 Trình bày báo cáo tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH cho biết, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, đến tháng 6/2019, cả nước có 1.917 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng phân tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.Về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, từ năm 2017 đến 2018, do thực hiện tốt công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh, nhận thức của người dân và xã hội đã có những chuyển biến tích cực nên kết quả tuyển sinh tốt hơn năm 2016, đạt hơn 2,2 triệu người/năm, vượt khoảng 100,2% đến 100,5%.Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã và đang thực hiện đổi mới khá mạnh mẽ, đồng bộ. Các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp được cải thiện, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa. Kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được nâng lên; trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỷ lệ này đạt gần 100%.Bên cạnh đó, bắt đầu hình thành mô hình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chuyển giao; đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và cho thị trường lao động ngoài nước. Việc tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp bước đầu đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả; cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trong thực tiễn.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tuy nhiên, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng về giáo dục nghề nghiệp ở một số địa phương chưa đầy đủ, thậm chí còn coi nhẹ; Hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chưa cao; Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn bất cập về phân bố giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo; Công tác tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn; Đào tạo phần nào chưa đáp ứng nhu cầu xã hội.Với quan điểm phát triển giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mục tiêu tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết thời gian tới lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ tập trung một số giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo hướng mở, đảm bảo quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, gắn với việc hình thành đồng thời các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa ngành và chuyên ngành; Tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững; Đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của Nhà nước, giám sát của xã hội; Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng, đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ra các quan điểm, xu hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; phân tích hệ thống chính sách, pháp luật và yêu cầu đặt ra đối với việc nâng cao chất lượng thể chế giáo dục nghề nghiệp; phân tích, làm rõ những yêu cầu, thách thức đặt ra đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trước bối cảnh biến động nhanh chóng và khó lường của thị trường lao động và việc làm dưới sự tác động của cách mạng khoa học kỹ thuật; đổi mới giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm chất lượng đào tạo nghề trong bối cảnh hội nhập quốc tế…

Toàn cảnh hội thảo

Nguồn: VP Tổng cục GDNN

Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế: Cơ hội và phát triển

0

 Ngày 04/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban) phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức gặp mặt báo chí lần 02 về Hội thảo Giáo dục 2019 với chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”. Tham dự và chủ trì gặp mặt báo chí có ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban; ông Tạ Văn Hạ, ủy viên thường trực Ủy ban; ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo Vụ Đào tạo chính quy, Vụ Đào tạo thường xuyên, Văn phòng thuộc Tổng cục; đại diện phóng viên của một số cơ quan thông tấn báo chí.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phát biểu

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thay mặt Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cảm ơn sự có mặt của các quý vị đại biểu, các cơ quan thông tấn báo chí và tin rằng buổi gặp mặt hôm nay sẽ thành công và sẽ tạo tiền đề tốt cho Hội thảo giáo dục năm 2019 diễn ra sắp tới. Tiếp nối thành công của Hội thảo giáo dục năm các năm 2017 và 2018, thực hiện chức năng giám sát theo quy định của pháp luật, đồng thời có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn góp phần nhìn nhận đánh giá chất lượng, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với hệ thống đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, sự tương tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, năm nay Ủy ban lựa chọn chủ đề của Hội thảo giáo dục năm 2019 là  “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế” và phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo này. Hội thảo sẽ tạo cơ hội cho các đại biểu quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước cũng như quốc tế, các nhà quản lý giáo dục, các doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ, đề xuất những ý tưởng để phát triển giáo dục nghề nghiệp; hình thành kênh thông tin chia sẻ chính sách giữa đại biểu quốc hội và cộng đồng, tiếp nhận những đề xuất và quan tâm của cộng đồng đối với phát triển giáo dục nghề nghiệp, giúp cho hoạt động giáo dục gần hơn với các nhà hoạch định chính sách; cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn giúp cho Ủy ban thực hiện chức năng giám sát, kiến nghị với Quốc hội hoàn thiện thể chế, chính sách về giáo dục nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại buổi gặp mặt

Hội thảo Giáo dục 2019 (VEC 2019) được tổ chức với mong muốn đem đến cái nhìn rõ hơn, toàn diện hơn về thực trạng giáo dục nghề nghiệp, từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam. Trong thời gian 01 ngày, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ tập trung thảo luận 03 nội dung chính: Thể chế giáo dục nghề nghiệp; Doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp;Chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đến nay, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được đăng ký và tham luận của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước. Cụ thể, có gần 60 tham luận, trong đó 15 tham luận đến từ các diễn giả, còn lại là của các chuyên gia, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các tham luận bám sát 3 nội dung trọng tâm của Hội thảo, đề cập ở nhiều góc độ khác nhau về thể chế giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm chất lượng giáo dục; giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm, nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động… trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế.

Các đại biểu tham dự gặp mặt báo chí

Phát biểu tại buổi gặp báo chí, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp bày tỏ sự vui mừng khi lần đầu tiên Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội thảo giáo dục với chủ đề và nội dung bàn về phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Điều này thể hiện sự quan tâm sát sao của Ủy ban và Quốc hội đối với giáo dục nghề nghiệp. Thời gian qua Chính phủ đã và đang rất quan tâm đầu tư phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, trong đó có nội dung quan trọng là xây dựng một chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 đến 2030 và tầm nhìn đến 2035. Vì vậy, Hội thảo giáo dục năm 2019 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp nói chung, chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp nói riêng trong thời gian tới. Đầu năm 2019, Ban cán sự Đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030. Trong đó đưa ra sáu giải pháp, định hướng cốt lõi phát triển giáo dục nghề nghiệp với ba nội dung trọng tâm đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và hội nhập quốc tế đó là: nâng cao tính tự chủ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, gắn đào tạo với doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ; hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng cần có cơ chế cụ thể để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Hội thảo lần này sẽ là cơ hội quan trọng giúp giáo dục nghề nghiệp tháo gỡ những vướng mắc trên.

Nguồn: VP Tổng cục GDNN