Trang chủ Tin tức Hội thảo về ngày kỹ năng lao động Việt Nam

Hội thảo về ngày kỹ năng lao động Việt Nam

36
0

Sáng ngày 17/6/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội thảo về ngày kỹ năng lao động Việt Nam. Tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục; bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục TTNNĐ Quốc Hội; ông Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam; đại diện Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Tổng liên Đoàn Lao động Việt Nam; đại diện lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng; đại diện chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng, Viện khoa học giáo dục nghề nghiệp; đại diện lãnh đạo một số trường Đại học, cao đẳng; đại diện phóng viên một số cơ quan thông tấn báo chí.

Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu chỉ đạo, đề dẫn tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng, chiếm trên 80% trong cơ cấu nhân lực quốc gia. Vấn đề làm thế nào để tôn vinh nhằm thu hút sự quan tâm của người dân đối với giáo dục nghề nghiệp, thu hút ngày càng nhiều người học vào giáo dục nghề nghiệp. Trong nhiều năm qua, các thế hệ lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp bên cạnh triển khai các nhiệm vụ chuyên môn còn mong muốn có một ngày nhằm tôn vinh, đề cao vai trò, giá trị của lao động có kỹ năng nghề, những tấm gương về lao động có kỹ năng nghề. Hiện nay, Việt Nam chúng ta đã có những ngày kỷ niệm để tôn vinh với người lao động ở một số lĩnh vực ngành, nghề, tôn vinh người lao động nói chung nhân ngày quốc tế lao động 1/5.

Tuy nhiên, vẫn chưa có một ngày cụ thể tôn vinh kỹ năng lao động ở tất cả các lĩnh vực ngành, nghề. Do đó, việc có một ngày kỹ năng lao động Việt Nam là hết sức cần thiết, phù hợp với xu thế tôn vinh người lao động có kỹ năng nghề trên thế giới, đồng thời thúc đẩy nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, giá trị kỹ năng lao động Việt Nam trong tình hình mới. Tổng cục trưởng mong muốn các đồng chí cán bộ quản lý, các chuyên gia tại Hội thảo đóng góp ý kiến, trao đổi để thống nhất mục tiêu, phương hướng lựa chọn ngày Kỹ năng lao động Việt Nam cho đúng với vai trò, giá trị và ý nghĩa của ngày này.

PGS.TS Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề đã trình bày về sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa và phương án đề xuất ngày kỹ năng lao động Việt Nam. Căn cứ pháp lý để đề xuất ngày kỹ năng lao động Việt Nam bắt nguồn từ Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng xuất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Luật lao động, Luật việc làm và Luật giáo dục nghề nghiệp. Từ thực tiễn trong nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam ngày 16/11/2019 nhấn mạnh trong 30 năm trở lại đây, gia tăng dân số và lực lượng lao động đã là một lực lượng quan trọng đóng góp to lớn cho thành tựu tăng trưởng GDP quốc gia.

Nâng cao chất lượng nguồn lao động có vai trò sống còn trong cải thiện tốc độ tăng trưởng, nỗ lực tái cơ cấu kinh tế với mô hình tăng trưởng. Theo thống kê, tính đến quý IV/2019, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên là 55,51 triệu người, chiếm hơn một nửa dân số. Đây là lực lượng nòng cốt, tài sản quý giá nhất của quốc gia trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, làm tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Thực tiễn trên thế giới, Tổ chức Worldskills thế giới có quan điểm về kỹ năng lao động “kỹ năng kiến tạo xã hội và kết nối xã hội, là nền tảng của phát triển kinh tế”, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thống nhất thông qua Nghị quyết tuyên bố ngày 15/7 hằng năm là ngày kỹ năng thanh niên thế giới. Một số quốc gia trên thế giới như Úc, Anh cũng tôn vinh lao động có kỹ năng thông qua ngày kỹ năng quốc gia,…

PGS.TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các cán bộ quản lý và chuyên gia đã tập trung phân tích về ý nghĩa, vị trí vai trò của ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Theo các chuyên gia, ngày kỹ năng lao động Việt Nam có ý nghĩa rất lớn, góp phần tôn vinh lực lượng lao động có kỹ năng và còn mang giá trị truyền thông quan trọng để thay đổi nhận thức của xã hội về sức mạnh nền tảng của kỹ năng lao động. Yêu cầu thực tiễn đòi hỏi rất cần một ngày như vậy dành để tôn vinh lực lượng lao động có kỹ năng. Các ý kiến đã góp phần định hướng cho việc lựa chọn ngày Kỹ năng lao động Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng ghi nhận các ý kiến tại Hội thảo đã mang tính đồng thuận cao về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kỹ năng nghề đối với lực lượng lao động và sự phát triển kinh tế đất nước. Làm thế nào để tôn vinh người lao động có kỹ năng nghề, thu hút sự quan tâm, trọng thị của người học, lao động, người dân và toàn xã hội đối với lao động có kỹ năng nghề và vị trí vai trò tầm quan trọng của kỹ năng nghề. Các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật, Singarore đều rất quan tâm và coi trọng kỹ năng nghề. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp thu và nghiên cứu đề xuất ngày Kỹ năng lao động Việt Nam.

Giáo dục nghề nghiệp rất rộng, thể hiện ở đối tượng của giáo dục nghề nghiệp không chỉ là học sinh, sinh viên mà còn có công nhân, nông dân, người lao động, các ngành nghề đào tạo hết sức phong phú ở tất cả các lĩnh vực, phương pháp đào tạo cũng rất linh hoạt mềm dẻo, đào tạo, đào tạo lại về mặt kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc. Việc lựa chọn ngày kỹ năng lao động Việt Nam cần gắn với kỷ niệm của ngành, gắn với chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống văn hóa, truyền thống các làng nghề.

Nguồn: VP TCGDNN